Friday, October 2, 2015

8 điểm yếu của giáo dục Việt Nam cần phải giải quyết


8 điểm yếu của giáo dục Việt Nam


 THẢO LUẬN (0)
(GDVN) - Tương quan giữa giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào? Tỷ lệ và tương quan ba mặt giáo dục đó ở các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào? Mục tiêu, nội dung và khối lượng của mỗi môn học trong tổng thể mục tiêu chung của giáo dục phổ thông và trong mỗi cấp học đó như thế nào? Dạy và học sử, văn, toán, giáo dục công dân, đạo đức…. tiếp tục như vậy được chăng?

LTS: Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam vẫn đang là chủ đề có tính thời sự được đông đảo độc giả cả nước quan tâm. Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp sâu sắc, mong muốn nền giáo dục nước nhà nhanh chóng tìm được điểm đột phá để sánh ngang cùng các cường quốc trên thế giới. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải bài viết của độc giả Ngân Lệ.

Vì sao phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam?

Ở đây cần tránh cả 2 cách tiếp cận: Thứ nhất, cho là nền giáo dục Việt Nam đã quá hỏng nát, lạc hậu, đầy tiêu cực, cần phải xóa đi và xây dựng lại cơ bản. Thứ hai, cho là nền giáo dục Việt Nam dẫu sao thành tựu lớn hơn bất cập, ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm, do đó chỉ cần sửa đổi, điều chỉnh cục bộ thôi, không phải đổi mới căn bản, toàn diện.
Để làm rõ vấn đề này cần xem xét nền giáo dục Việt Nam theo ba giác độ sau: Đánh giá khách quan thực trạng nền giáo dục, đặt nền giáo dục trước đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới, đặt nền giáo dục trước (hay trong) quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa, hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng lên.
Thực trạng nền giáo dục Việt Nam
Trong những thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển, có những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Nhưng đồng thời nền giáo dục đang ẩn chứa rất nhiều yếu kém, bất cập, mà Đại hội IX, X đến Đại hội XI của Đảng vẫn nêu rất đậm nét, đó là:
Giáo dục - đào tạo còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập chậm được khắc phục; chất lượng giáo dục còn thấp, quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng; so với yêu cầu phát triển của đất nước còn nhiều nội dung chưa đạt; chưa thực sự là quốc sách hàng đầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC
- Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục còn lạc hậu, chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa, chưa gắn chặt với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp; chưa phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên.
- Chất lượng giáo dục có mặt bị buông lỏng, giảm sút, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục mới quan tâm nhiều đến dạy “chữ”, còn dạy “người” và dạy “nghề” vẫn yếu kém; yếu về giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, lịch sử dân tộc, tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống…
- Hệ thống giáo dục quốc dân không hợp lý, thiếu đồng bộ, chưa liên thông, mất cân đối.
- Quản lý nhà nước trong giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập, chậm đổi mới, là nguyên nhân chủ yếu của nhiều nguyên nhân khác; cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, còn nhiều lúng túng, nhận thức rất khác nhau, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực khác của đất nước.
- Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên còn nhiều bất cập, đạo đức và năng lực của một bộ phận còn thấp.
- Chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác xã hội hóa giáo dục; định hướng liên kết với nước ngoài trong phát triển giáo dục còn nhiều lúng túng, chưa xác định rõ phương châm.
- Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới-phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; khoa học giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục còn nhiều bất cập.
- Các cơ quan chức năng chậm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước; thiếu nhạy bén trong công tác tham mưu, thiếu những quyết sách đồng bộ và hợp lý ở tầm vĩ mô (có khi chính sách được ban hành rồi nhưng chỉ đạo tổ chức thực hiện không đến nơi đến chốn, kém hiệu quả); một số chính sách về giáo dục còn chủ quan, duy ý chí, xa thực tế, thiếu sự đồng thuận của xã hội.
Cô gái xứ Nghệ mang khát vọng du học từ... đồng ruộng
Tâm sự xúc động: Những giáo viên chật vật "chạy ăn" từng bữa
"Tôi buồn vì sinh viên ra trường phải đi tiếp thị mì tôm"
Những vấn đề, những yếu kém và bất cập nêu trên của giáo dục không thể giải quyết khắc phục được căn bản chỉ bằng các giải pháp cục bộ, đơn lẻ, bề mặt nhất thời, thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn, thiếu tính đồng bộ và hệ thống, chưa đạt tới chiều sâu bản chất của vấn đề. Để giải quyết được căn bản những vấn đề đặt ra, những người lãnh đạo - quản lý, những nhà khoa học, những người làm giáo dục phải có cách nhìn toàn diện, đầy đủ, khách quan, như các văn kiện của Đảng đã nêu, sâu hơn, bản chất hơn những gì nêu trên báo chí và những báo cáo tổng kết thành tích.
Những đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới
Bước sang giai đoạn mới, đất nước ta đứng trước những cơ hội lớn và thách thức đều rất lớn, đó là:
- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại.
- Phấn đấu không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
- Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng dựa chủ yếu vào vốn, đất đai, tài nguyên và lao động, sang đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu dựa ngày càng mạnh vào tri thức, khoa học và công nghệ.
- Đẩy mạnh có hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực hợp tác và cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
- Nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân; xây dựng xã hội ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh hơn.
- Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia.
Những vấn đề trên đã và đang đặt ra những yêu cầu, những nội dung rất mới, rất cao về nguồn lực con người, với những giá trị xã hội mới, tiêu chí mới về phẩm chất và năng lực của mỗi con người và cả cộng đồng (như năng lực hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh trên trường quốc tế; năng lực làm chủ - ứng dụng và sáng tạo khoa học và công nghệ cao; năng lực kết nối cộng đồng; năng lực lập nghiệp; văn hóa lao động, lối sống hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc dân tộc…). Tất cả những giá trị mới nêu trên tất yếu đặt ra những yêu cầu mới về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, cơ chế phát triển giáo dục; về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục; đòi hỏi phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của đất nước.
Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế về giáo dục
Đây là vấn đề rất cần được nhận thức sâu sắc và đầy đủ, vì nó đã và đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến nền giáo dục nước ta, trong khi nước ta lại đang đi sau so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Chúng ta đã ra nhập WTO và thực hiện Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ thế giới GATS, trong đó thừa nhận giáo dục là một lĩnh vực dịch vụ khả mại và ta đang từng bước đẩy mạnh hợp tác quốc tế và mở cửa thị trường dịch vụ giáo dục (có điều kiện).
Quá trình dịch vụ hoá giáo dục gắn với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế về giáo dục, đã làm cho chức năng của giáo dục có sự thay đổi, được nâng lên một nấc thang mới trong tương quan với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội - đó là chức năng kinh tế, chức năng đầu tư, chức năng tạo lập giá trị xã hội mới và kết nối xã hội; chức năng cạnh tranh quốc tế…; giáo dục không còn chỉ thuần tuý là đào tạo nhân lực và phúc lợi xã hội.
Sự giao thoa, đối thoại, hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh giữa các nền giáo dục làm cho nền giáo dục của mỗi nước vừa có các giá trị dân tộc, vừa có giá trị quốc tế-nhân loại. Sự “thắng”, “thua” của một nền giáo dục không phải chỉ ở sự chiếm lĩnh thị phần giáo dục lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, mà còn ở chỗ biết tiếp thu, phát huy có hiệu quả những giá trị tích cực, tiên tiến hơn của các nền giáo dục khác, của nhân loại. Nắm chắc và phát huy những giá trị của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các giá trị quốc tế để hội nhập có hiệu quả.
Do những thay đổi về chức năng và cơ chế phát triển giáo dục gắn liền với trình độ phát triển cao của nền kinh tế - xã hội và của các lĩnh vực khác, giáo dục trên thế giới đang diễn ra những xu hướng mới cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc, đó là:
- Xu hướng đại chúng hoá.
- Xu hướng đa dạng hoá các loại hình và phương thức giáo dục -đào tạo, phát triển đào tạo từ xa, qua mạng; sự thay đổi chức năng và mô hình của các cơ sở giáo dục đào tạo.
- Xu hướng toàn cầu hoá, khu vực hoá, hội nhập và hợp tác cùng với cạnh tranh quốc tế về giáo dục - đào tạo tăng lên.
- Giáo dục - đào tạo ngày càng gắn bó trực tiếp, nhân quả, hiệu quả hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ.
- Cơ chế phát triển giáo dục-đào tạo ngày càng tương thích hơn với cơ chế phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế thị trường; tính chất dịch vụ và cung ứng dịch vụ giáo dục-đào tạo ngày càng tăng lên; đổi mới phương thức thực hiện phúc lợi xã hội trong giáo dục để nâng cao hiệu quả.
- Xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa, kết hợp công-tư trong phát triển giáo dục-đào tạo được đẩy mạnh.
- Giáo dục cho người lớn trở thành một nhu cầu ngày càng tăng, hình thành nhu cầu học tập suốt đời, mà nhà trường với phương thức đào tạo truyền thống không đáp ứng có hiệu qủa.
- Bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo trở thành vấn đề của toàn xã hội, một nội dung quản lý nhà nước, một giá trị quốc gia, một điều kiện để mở rộng hợp tác quốc tế.
Những xu hướng trên đang buộc hầu như tất cả các nước phải đổi mới và hiện đại hoá hệ thống giáo dục. Để thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” trong giai đoạn mới, Việt Nam không thể nằm ngoài các xu hướng này.
Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục
Trước hết cần nhận thức sâu sắc tính cách mạng và khoa học của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Đây không phải là những sửa đổi, điều chỉnh nhỏ, đơn lẻ, cục bộ, mang tính bề mặt. Đây là quá trình đổi mới “đụng” tới tầng sâu bản chất của hệ thống giáo dục, làm thay đổi căn bản về chất của hệ thống giáo dục, để đưa hệ thống giáo dục lên một trình độ mới, hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
Đổi mới căn bản được hiểu là đổi mới những vấn đề cốt lõi nhất để làm thay đổi và nâng cao về chất của hệ thống giáo dục, nhằm đáp ứng với đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới, đó là:
- Đổi mới tư duy, nhận thức, triết lý về giáo dục, về sứ mạng của giáo dục.
- Đổi mới quan điểm phát triển giáo dục.
- Đổi mới mục tiêu giáo dục.
- Đổi mới và lành mạnh hóa môi trường giáo dục.
- Đổi mới nội dung và phương thức giáo dục.
- Đổi mới cơ chế phát triển giáo dục.
- Đổi mới động lực - nguồn lực phát triển giáo dục.
- Đổi mới tổ chức chỉ đạo thực hiện quá trình đổi mới giáo dục.
Đó là những yếu tố cơ bản cần được nghiên cứu làm rõ cả về cơ sở khoa học và thực tiễn để làm nền tảng cho đổi mới Hệ thống giáo dục. Đây là những vấn đề rất quan trọng, chưa được nghiên cứu thấu đáo và có hệ thống, hiện đang còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Đổi mới toàn diện nền giáo dục được hiểu là đổi mới về tất cả các mặt, các yếu tố cấu thành hệ thống giáo dục và các quá trình giáo dục như:
- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc gia.
- Đổi mới ở tất cả các cấp, bậc học, các hình thức giáo dục, đào tạo.
- Đổi mới đồng bộ về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục, đào tạo.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên.
- Đổi mới và nâng cao chế độ đãi ngộ - tôn vinh gắn liền với nâng cao chế độ trách nhiệm xã hội của các nhà giáo.
- Đổi mới và nâng cao cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý giáo dục.
- Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
- Hình thành đồng bộ và lành mạnh hóa môi trường giáo dục gồm môi trường nhà trường, môi trường gia đình và môi trường xã hội.
Nội dung đổi mới căn bản và nội dung đổi mới toàn diện gắn bó mật thiết với nhau; phải trên cơ sở làm rõ các “nội dung căn bản” để cụ thể hoá cho các “nội dung toàn diện”. Bởi vì một nền giáo dục “học một lần cho làm việc cả đời” khác căn bản với nền giáo dục “học cả đời để luôn thích ứng công việc và cuộc sống”, lại càng khác hơn so với nền giáo dục trong xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức; nền giáo dục được bao cấp hoàn toàn khác với nền giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Định hướng cơ bản của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đã được nêu trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng là “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế”. “Ngũ hoá” đó là những yêu cầu cơ bản đặt ra cho quá trình đổi mới nền giáo dục. Mỗi “hoá” đó chứa đựng những tiêu chí mới đối với nền giáo dục (ở đây chưa đề cập chi tiết). Nhưng tổng hợp lại sẽ tạo nên một nền giáo dục năng động - hiệu quả - chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới và phù hợp với xu thế của thời đại.
Những nội dung của đổi mới căn bản và toàn diện gắn với định hướng đổi mới cơ bản nêu trên cần phải được nghiên cứu sâu, đồng bộ, có sức thuyết phục cả về cơ sở lý luận khoa học và cơ sở thực tiễn trên bình diện chung đối với cả nền giáo dục-cả hệ thống giáo dục, đồng thời cụ thể sâu cho mỗi phân hệ, mỗi cấp bậc học, hình thức giáo dục, thậm chí cho mỗi môn học.
Trong quá trình đổi mới giáo dục này, cần phải đặt lên hàng đầu đổi mới tư duy-nhận thức-triết lý giáo dục, đổi mới quan điểm và mục tiêu giáo dục, vì đây là những vấn đề có tính “mở đường”, “định hướng” cho quá trình đổi mới giáo dục. Nếu không làm rõ những vấn đề này mà lại bắt tay vào thực hiện ngay những vấn đề cụ thể khi chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, thiếu quan điểm hệ thống, sẽ khó có được kết quả tốt đẹp.

Xin nêu một ví dụ cụ thể: vấn đề giảm tải chương trình giáo dục phổ thông (là vấn đề mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Chủ tịch Hội đồng giáo dục quốc gia đã kết luận phải triển khai cách đây gần 10 năm, nhưng nay Bộ giáo dục và Đào tạo mới triển khai). Giảm tải chương trình giáo dục phổ thông không chỉ đơn giản là giảm khối lượng và độ khó kiến thức (như Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo là loại bỏ những phần trùng lặp, những phần được cho là quá khó, dù đây là việc cần thiết); mà bao trùm hơn là cần xác định rõ mục tiêu giáo dục phổ thông có cần đổi mới không?

Tương quan giữa giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào? Tỷ lệ và tương quan ba mặt giáo dục đó ở các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào? Mục tiêu, nội dung và khối lượng của mỗi môn học trong tổng thể mục tiêu chung của giáo dục phổ thông và trong mỗi cấp học đó như thế nào? Dạy và học sử, văn, toán, giáo dục công dân, đạo đức…. tiếp tục như vậy được chăng?

Chương trình giáo dục phổ thông nên là 10, 11 hay vẫn giữ 12 năm, phân luồng, phân ban như thế nào? Rõ ràng vấn đề giảm tải giáo dục phổ thông không được nghiên cứu thấu đáo trong những tương quan trên, thì việc thực hiện sẽ chỉ là sự “chữa cháy”, không cơ bản, không đạt được những mục tiêu quan trọng hơn đối với giáo dục phổ thông.
Cũng về đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông, có những ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục cho là sẽ phải chuyển từ “học sinh học được những kiến thức gì” (định hướng nội dung) sang học ra để làm được gì (định hướng sử dụng). Phải chăng đây là cách đổi mới đúng? Cách tiếp cận đúng? Đúng là nội dung học phổ thông phải thiết thực, song điều đó không có ý nghĩa là nội dung chương trình giáo dục phổ thông mang nặng tính ứng dụng cụ thể để học sinh học rồi ra “làm việc”. Rõ ràng đây không phải là mục tiêu cao nhất, bao trùm nhất, phù hợp nhất của giáo dục phổ thông. Khi không xác định rõ mục tiêu đúng đắn và phù hợp, lại thiếu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, những giải pháp cụ thể có thể sẽ dẫn đến lầm lạc, từ sai lầm này có thể lại sang sai lầm khác.
Với cách tiếp cận trên, có thể thấy rằng, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục không thể thành công nếu thiếu nghiên cứu thấu đáo, có hệ thống cả về cơ sở lý luận - khoa học và cơ sở thực tiễn, thiếu sự chỉ đạo nhất quán.
Tổ chức chỉ đạo triển khai đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục
Có thể nói rằng quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến vận mệnh của đất nước, của dân tộc trong giai đoạn mới. Bởi vì, sức mạnh của một dân tộc, năng lực cạnh tranh của một quốc gia đang chuyển mạnh từ nguồn lực tài nguyên, vốn, lao động sang tri thức, trí tuệ, nguồn nhân lực chất lượng cao - là năng lực tổng hợp của những thế hệ người làm chủ thể vững vàng, tin cậy, đầy bản lĩnh của một dân tộc. Và đó phải là sản phẩm của một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.
Nhưng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục không phải là một quá trình đơn giản, dễ dàng; không phải chỉ vì nền giáo dục đang có nhiều yếu kém, bất cập, thiếu nguồn lực đầu tư, mà còn bởi nhiều vấn đề mới đang còn không ít nhận thức khác nhau, cần có những nghiên cứu sâu để tìm ra lời giải có căn cứ cả về lý luận khoa học và thực tiễn. Hơn nữa giáo dục là một hệ thống xã hội lớn, khá phức tạp với nhiều chủ thể tham gia và liên quan, vận hành liên tục, năm này gắn với năm khác, bậc nọ gắn với bậc kia, không thể dừng lại một cách dứt đoạn, làm lại từ đầu cả hệ thống cùng một lúc.

Quá trình đổi mới này cũng không thể là công việc của một năm, 5 năm, mà là công việc của 10 năm và có thể lâu hơn. Do đó, quá trình đổi mới này phải được triển khai thống nhất, đồng bộ, có bước đi phù hợp với những ưu tiên xác định, trên cơ sở gắn nghiên cứu khoa học với thử nghiệm, với tổng kết thực tiễn, với tổ chức triển khai rộng trên thực tế, rút kinh nghiệm và điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện, để không cho phép xảy ra những sai lầm nghiêm trọng.
Tất cả những vấn đề quan trọng liên quan đến quá trình đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục phải được nghiên cứu một cách thấu đáo, khoa học, khách quan và có hệ thống.
Do tầm quan trọng, quy mô, tính chất và nội dung rộng lớn đó, nên công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục không thể chỉ giao và là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục. Đây là sự nghiệp lớn lao của cả Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Vì vậy cần có một Ban Chỉ đạo Trung ương (hay Ban Chỉ đạo Quốc gia) về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, với sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Nhà nước, với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và những người am hiểu sâu sắc về giáo dục… trong đó ngành giáo dục là nòng cốt.
Vấn đề quan trọng đầu tiên là phải tổ chức nghiên cứu xây dựng cho được một Đề án tổng thể về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục cho giai đoạn 10 năm 2011 - 2020. Đề án phải nêu lên được quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, khung nội dung và các nhiệm vụ chủ yếu, lộ trình nghiên cứu và triển khai thực hiện, nguồn lực để thực hiện…

Sau khi Đề án được phê duyệt mới chỉ đạo triển khai cụ thể các nội dung, nhiệm vụ; điều này không có nghĩa là không thực hiện ngay các sửa đổi, điều chỉnh cụ thể, cần thiết khi đã có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Vì đây là nhiệm vụ quan trọng, rộng lớn và lâu dài nên cần có Bộ phận thường trực chuyên trách gồm những người am hiểu sâu lý luận khoa học giáo dục và thực tiễn giáo dục, rất tâm huyết, giúp việc Ban Chỉ đạo Quốc gia. Việc thành lập và sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về đổi mới giáo dục là một trong những yếu tố quyết định đảm bảo cho sự nghiệp này thành công
.

About the Author

http://cuongdongcomputer.blogspot.com/

Author & Editor

Has laoreet percipitur ad. Vide interesset in mei, no his legimus verterem. Et nostrum imperdiet appellantur usu, mnesarchum referrentur id vim.

Post a Comment

 
Maketting Online Computer © 2015 - Designed by Templateism.com